Bộ Tài Chính - Doanh Nghiệp phát hành trái phiếu tự vay tự trả

" Với trái phiếu, nhà đầu tư phải tự đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư còn doanh nghiệp phát hành tự cân đối dòng tiền để trả nợ " theo Bộ Tài chính

 

     

     Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 15/11/2022, Bộ Tài chính cho biết, khi nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh còn rất lớn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm năng và quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường này một cách an toàn, lành mạnh. Cơ quan này cũng nhắc lại quy định của pháp luật mà các chủ thể tham gia cần tuân thủ, sau những biến động gần đây liên quan sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

 

     

      Với doanh nghiệp  :  Trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp với nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm; có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết.

   Trường hợp khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án trả nợ và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

   Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

 

 

    Với nhà đầu tư cá nhân  :  Bộ Tài chính lưu ý, trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và thường có độ rủi ro cao hơn. Phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

   Với đặc điểm trên, Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch của nó và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

    Trước các vi phạm gần đây, thị trường chứng kiến hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu sớm, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Cơ quan quản lý khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

 

     Theo phản ánh của một số nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua kênh phân phối là ngân hàng, họ không được tiếp cận với đầy đủ thông tin về doanh nghiệp khi mua trái phiếu, thậm chí còn có trường hợp nhầm lẫn với hình thức gửi tiết kiệm thông thường. Thay vì cung cấp thông tin đầy đủ, có trường hợp nhân viên nhà băng chỉ dùng lãi suất, uy tín của ngân hàng để chào bán tới khách mà không có bất kỳ chi tiết về loại trái phiếu doanh nghiệp.

 

 

     Về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ, đại diện Bộ Tài chính nói : " Ngân hàng, công ty chứng khoán là đơn vị vị phân phối trái phiếu doanh nghiệp, không có nghĩa họ bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là nơi cung cấp dịch vụ, hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành "

    Do đó, nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp

    Tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, có hai loại trái phiếu là trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong đó, từ năm 2021, hai phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt cụ thể. Trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

    Còn trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn loại phát hành ra công chúng.

 

 

     Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, sự phát triển nhanh của thị trường khiến một số doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

 

Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65 bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường. Đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

 

Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính đánh giá, sau sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

   

     Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm giảm 25% so với cùng kỳ xuống còn 328.900 tỷ đồng và có xu hướng giảm dần qua các quý. Ngân hàng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm hơn 41%. Còn nhóm bất động sản, xây dựng chỉ chiếm tỷ trọng gần 29% và 8%. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn với khối lượng 152.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Admin   :   Có một câu hỏi đặt ra ở đây là nếu ko có sự bảo lãnh của ngân hàng, thì làm sao có thể phát hành được trái phiếu và người dân liệu có đủ niềm tin đặt vào những lời hứa lãi suất hấp hẫn mà ngân hàng đưa ra để mà xuất tiền túi ? Đọc báo mà thấy bối rối thật sự, khi mà quả bóng cứ đem ra đá qua đá lại, nhưng đích đến của nó là một câu trả lời thì không có và người thiệt thòi cuối cùng lại là người dân. Không một ai phải chịu trách nghiệm, trừ người chết, hài thật. Giờ thì Bộ Tài Chính đóng vai trò là ban hòa giải, đem ra lời khuyên là phải cần thận thế này, thế kia... Xem ra hành trình đi tìm lại công lí cho những người dân " tiền mất, tật oan " sẽ ko có đường vào bờ rồi, hic...

_ Nguồn : VNEXPRESS _

_ Biên tập : Hội bán nhà không qua mooig giới tại Hải Phòng _

TIN TỨC KHÁC